Hình thành và phát triển Bão (khí tượng học)

Bão Irma năm 1971, tại thời điểm đó, cơn bão giữ kỷ lục tăng cường độ nhanh nhất trong vòng 24 giờ, với áp suất giảm từ 980 mbar xuống 885 mbar

Bão chỉ có thể hình thành khi có đủ ba điều kiện: nhiệt độ, độ ẩm và động lực để tạo xoáy.

Trên biển phía tây bắc Thái Bình Dương, dải vĩ độ 5−20 hai bên xích đạo có nhiệt độ cao (từ 26−27°C trở lên) đảm bảo cung cấp đủ lượng hơi nước khổng lồ bốc hơi mạnh để cung cấp năng lượng ngưng kết cho bão hình thành, lực Coriolis đủ lớn để tạo xoáy.[1]

Đới gió cơ bản vùng nhiệt đới mà trong đó bão hình thành cần phải có độ đứt thẳng đứng nhỏ, vì độ đứt thẳng đứng của gió ngăn cản sự phát triển của xoáy thuận. Thực tế cho thấy, ở khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương, khi đới gió tây trên cao bao trùm lên trên đới tín phong (có hướng đông bắc) thì bão khó hình thành. Trái lại, bên trên tín phong có gió đông dày, thường tới 6 km, thì bão dễ hình thành và phát triển. Đới gió đông càng dày thì bão càng dễ hình thành và phát triển.[1]

Bão thường phát triển lên từ một vùng áp thấp nhỏ ban đầu. Trên vùng Tây Bắc Thái Bình Dương, các vùng áp thấp thường hình thành trên ITCZ (dải hội tụ nhiệt đới), rãnh xích đạo hay từ các nhiễu động ở rìa đới tín phong như sóng đông hay sóng xích đạo.[1]

Giai đoạn phát triển:

Đặc điểm của giai đoạn này là khí áp bề mặt vùng bão tiếp tục giảm và tốc độ giảm áp ngày càng tăng, trung bình 15−20 hPa/ngày, cá biệt lên tới 97 hPa/ngày và 51 hPa/8 giờ (cơn bão Irma năm 1971 trên Tây Bắc Thái Bình Dương), cho đến khi đạt giá trị khí áp thấp nhất. Gió bão cũng càng ngày càng mạnh thêm một cách nhanh chóng với vùng gió mạnh nhất được hình thành và thu hẹp lại trong vách bão với bán kính chỉ chừng 100 km trở lại. Tốc độ gió mạnh nhất ở vùng gần trung tâm bão thường xuất hiện vào cuối giai đoạn này.[1]

Giai đoạn chín muồi:

Giai đoạn này bắt đầu khi sự phát triển của bão đã hoàn tất, khí áp trung tâm bão không tiếp tục giảm thêm và tốc độ gió cực đại ở vùng gần trung tâm bão cũng không tăng thêm nữa. Nhưng ở giai đoạn này phạm vi bão và vùng gió mạnh ở gần trung tâm bão thường mở rộng hơn. Đặc biệt bán kính vùng gió mạnh từ khoảng trong 100 km có thể mở rộng tới 200 km hoặc hơn nữa. Giai đoạn này thường kéo dài vài ba ngày, có khi tới cả tuần lễ ở trên đại dương.[1]

Giai đoạn tan rã:

Khi bão đi vào đất liền, do ảnh hưởng của địa hình và đặc biệt là do không được cung cấp đầy đủ hơi ẩm nên bão bị mất tiềm nhiệt ngưng kết năng lượng để tồn tại, kích thước thu hẹp, khí áp đầy lên nên nó bị suy yếu và tan rã sau 1−2 ngày. Bão cũng có thể suy yếu và tan rã trên biển khi gặp những điều kiện bất lợi như: đi vào vùng nước lạnh, bị không khí lạnh xâm nhập vào, kết cấu hoàn lưu trên cao không thuận lợi,...[1]

  • Các giai đoạn phát triển của Bão Neoguri năm 2014, từ khi mới hình thành cho đến lúc chuyển đổi thành xoáy thuận ngoại nhiệt đới
  • (2 tháng 7)
    Áp thấp nhiệt đới
  • (3 tháng 7)
    Áp thấp nhiệt đới
  • (4 tháng 7)
    Bão nhiệt đới
  • (5 tháng 7)
    Bão cuồng phong
  • (6 tháng 7)
    Bão cuồng phong
  • (7 tháng 7)
    Siêu bão cuồng phong
  • (8 tháng 7)
    Bão cuồng phong
  • (9 tháng 7)
    Bão nhiệt đới dữ dội
  • (10 tháng 7)
    Bão nhiệt đới
  • (11 tháng 7)
    Xoáy thuận ngoại nhiệt đới